Hơn 1 năm qua, Quảng Ninh dùng những biện pháp mạnh lập lại trật tự môi trường du lịch lành mạnh đối với dịch vụ “tour 0 đồng”. Những tưởng loại hình du lịch này đã bị xóa bỏ sau những nỗ lực không mệt mỏi của hệ thống chính quyền tỉnh, nhưng những ngày qua, Quảng Ninh bùng phát trở lại “tour 0 đồng” sau một thời gian im ắng.
Mảnh đất màu mỡ
Ngay khi có thông tin dịch vụ “tour 0 đồng” hay tour giá rẻ xuất hiện trở lại, phóng viên (PV) Tiền Phong đã theo chân một hướng dẫn viên (HDV) du lịch nội địa để tìm hiểu hiện tượng này. “Dấu hiệu nhận biết đầu tiên, cứ ra đường là gặp người Trung Quốc. Họ đổ sang đây từ già đến trẻ, từ khỏe mạnh đến tàn tật đổ xô đi du lịch ở Quảng Ninh” - Anh N. V. T - HDV du lịch nội địa chia sẻ kinh nghiệm.
Hàng nghìn du khách Trung Quốc chen chúc thăm vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương.
Ngay từ sáng sớm, chúng tôi có mặt tại Cảng tàu du lịch Quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long, ghi nhận khách Trung Quốc có mặt tại đây đông như “trẩy hội”. Từ ngoài bến xe, gần 100 chiếc 45 chỗ đậu san sát, người xách túi, người cầm cờ hiệu ùn ùn kéo vào khu vực làm thủ tục của cảng.
Bên trong cảng, mọi thứ gần như được hợp thức dành cho người Trung Quốc. Những bảng hiệu quảng cáo, chỉ dẫn đều được viết bằng chữ Trung Quốc to tướng. Chi chít những dòng chữ Trung Quốc được viết khắp mọi nơi tại các cửa hàng. Đa số các cửa hàng tại đây đều bán các sản phẩm của Việt Nam như Trầm Hương, Ngọc Trai, đệm gối cao su... Khung cảnh ở đây không khác gì một khu dịch vụ mua sắm của nước bạn.
Theo thống kê phía Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, khoảng 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày đơn vị này cấp phép cho 600 chuyến tàu đi thăm vịnh Hạ Long, bằng với những ngày cao điểm như dịp 30/4-1/5 những năm trước. Đặc biệt, danh sách khách mang quốc tịch Trung Quốc chiếm hơn 70% tổng số lượng hành khách tham quan vịnh.
Để lý giải cho điều này, anh T phân tích: “Cũng dễ hiểu vì đa số khách Trung Quốc đến Quảng Ninh du lịch đều bằng dịch vụ tour 0 đồng, chỉ trừ một số ít du khách đi bằng tàu biển. Do quãng đường di chuyển đến vịnh Hạ Long rất gần, có thể đi bằng đường bộ từ cửa khẩu Móng Cái, chi phí bỏ ra để làm tour rất thấp. Với nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, Hạ Long trở thành điểm đến lý tưởng của loại hình tour giá rẻ mà các Công ty lữ hành hướng đến. Gốc rễ của tour 0 đồng từ trước đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, Quảng Ninh vẫn là thiên đường để dịch vụ này phát triển”.
Những bảng hiệu quảng cáo, chỉ dẫn đều được viết bằng chữ Trung Quốc to tướng bên trong cảng Tuần Châu. Ảnh: Hoàng Dương.
Du lịch kiểu “hành xác”
Theo tìm hiểu của PV, mỗi ngày Quảng Ninh đón nhận hàng chục nghìn lượt du khách Trung Quốc đến tham quan. Đa số đều được nhập cảnh qua của khẩu Quốc tế Móng Cái, các đoàn khách được đưa sâu vào nội địa bằng các xe 45 chỗ. Mỗi tour kéo dài 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm. Đoàn sẽ do các HDV người Việt hoặc do chính HDV Trung Quốc hướng dẫn.
Khi vào đến TP. Hạ Long, khách được sắp xếp nghỉ ở những nhà nghỉ rẻ tiền với giá 200-300 nghìn đồng/1 người. Mỗi phòng có thể nhồi nhét 5-6 người. Trên đường đi, những bữa ăn “cơm tù” chỉ độc rau củ và một ít thịt, cá. Những đoàn muốn ăn hải sản sẽ bị thu thêm tiền với giá “cắt cổ”.
Do số lượng khách quá đông, một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long luôn nằm trong tình trạng quá tải. Khi đặt chân lên đảo Ti Tốp (vịnh Hạ Long), PV không khỏi bàng hoàng với một cảnh tượng nhốn nháo, chen chúc của du khách trên một khoảnh sân nhỏ ngay bến tàu. “Chỉ đứng thôi cũng đã thấy ngột ngạt chứ đừng nói là đi tham quan ngắm cảnh” – HDV T. chia sẻ.
Các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long như hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Luồn luôn quá tải. Có những hôm du khách phải xếp hàng hàng giờ mới đến lượt lên “chen chân” lên động. “Nhìn dòng người đông kín nhích từng bước để tận hưởng một thứ gọi là tham quan, quả thực tôi không dám nghĩ đây là dịch vụ du lịch được phía nước bạn vẽ ra như: Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, độc nhất vô nhị hay lạc vào chốn thần tiên...” - HDV T. cho hay.
Sau khi “hành xác” ngoài vịnh, du khách sẽ được đưa về ăn “cơm tù” tại một số quán ăn nằm ở phường Hùng Thắng, TP Hạ Long. Có những đoàn để kịp thời gian mua sắm và xuất cảnh, điều hành tour sẽ mua sẵn bánh mỳ và nước lên xe cho khách. Bánh mỳ cũng được giới thiệu là sản phẩm nổi tiếng được làm từ “bột mỳ”.
Thời gian từ 12h trưa đến 3h chiều du khách sẽ được đưa vào các điểm bán hàng “đặc biệt” để mua sắm. Đúng nghĩa “đặc biệt” vì những cửa hàng này chỉ bán cho khách Trung Quốc, mỗi người được phát 1 tấm thẻ tên đeo vào cổ mới được vào bên trong cửa hàng.
Một năm trước, Quảng Ninh đã mạnh tay xử lý những cửa hàng này. Có trường hợp bị tước giấy phép kinh doanh, buộc phải phá dỡ hoặc đóng cửa. Nhưng thời gian gần đây, những cửa hàng này lại rục rịch mở cửa trở lại với những cái tên mới toanh. Vẫn những chiêu thức “dụ mị” khách Trung Quốc mua hàng như gối cao su, máy tập thể lực, vòng trầm hương linh ứng...nhưng thực chất đây toàn là những mặt hàng rẻ tiền, không rõ nguồn gốc.
“Những cửa hàng này là “bầu sữa” nuôi sống “tour 0 đồng”. Nguồn tiền thu từ đây khó có thể kiểm soát được, không chỉ bù lỗ cho giá tour mà nó còn là “con gà đẻ trứng vàng” vì tâm lý của khách Trung Quốc thường bị dẫn dụ và họ thường chi mạnh hầu bao cho những thứ họ đã thích” - Anh Trần Thanh Hùng, một người có nhiều năm kinh nghiệm điều hành tour cho biết.
“Tour 0 đồng” không chỉ làm méo mó đi hình ảnh du lịch của tỉnh Quảng Ninh, mà còn là một hình thức kinh doanh coi thường pháp luật. Đã có nhiều biện pháp, nhiều chính sách của tỉnh Quảng Ninh nhằm ngăn chặn loại hình dịch vụ này, nhưng chưa thật sự hiệu quả. Cần có những quyết sách căn cơ để xử lý tận gốc loại hình này, không thể cứ “đến hẹn lại lên”.
“Tour 0 đồng” không chỉ làm méo mó đi hình ảnh du lịch của tỉnh Quảng Ninh, mà còn là một hình thức kinh doanh coi thường pháp luật. Đã có nhiều biện pháp, nhiều chính sách của tỉnh Quảng Ninh nhằm ngăn chặn loại hình dịch vụ này, nhưng chưa thật sự hiệu quả.
Hoàng Dương (báo Tiền phong)